Blog

Thuốc Corticoid là gì? Có tác dụng gì? Chống chỉ định khi nào?

Thuốc Corticoid dùng với liều thấp, ngắn ngày (uống ≤ 7 ngày, bôi ≤ 14 ngày) hoặc lâu lâu mới dùng một đợt sẽ không có tác dụng phụ đáng kể. Tuy nhiên, nếu dùng thường xuyên, kéo dài dễ gây một số tác dụng phụ nghiêm trọng như: tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng huyết áp, tăng đường huyết, loét dạ dày tá tràng, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, chậm lành vết thương, da teo mỏng, da dễ bầm tím… Vậy thuốc Corticoid là gì? Có tác dụng gì? Chống chỉ định khi nào? 

Corticoid là gì?

Corticoid là thuốc có chứa cortisol hoặc các dẫn xuất của cortisol (loại hormone mà tuyến thượng thận của bạn sản xuất tự nhiên). Corticoid thường được gọi bằng thuật ngữ rút ngắn steroid hoặc corti hoặc cort. (1)

Tác dụng của Corticoid

Corticoid có nhiều công dụng: giúp giảm viêm (kháng viêm), ngăn các phản ứng của hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức (còn gọi là ức chế miễn dịch), cân bằng nội tiết tố, chống stress, tăng hưng cảm (cho nên corticoid được xếp vào loại thuốc doping, cấm các vận động viên sử dụng). Corticoid có tác dụng nhanh trong cơ thể nên giúp điều trị các triệu chứng liên quan các phản ứng dị ứng. Các loại thuốc này cũng ức chế hệ thống miễn dịch giúp điều trị các bệnh tự miễn dịch. (2)

Corticoid giúp điều trị một số bệnh như: hen suyễn, dị ứng, chàm, phát ban, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh viêm ruột, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh đa xơ cứng (MS), bệnh lupus, bệnh Addison, viêm khớp dạng thấp. Các bác sĩ cũng dùng corticoid điều trị cho người bệnh đang hồi phục sau ca cấy ghép nội tạng.

Corticoid giúp điều trị một số bệnh như: hen suyễn, dị ứng, chàm, phát ban, bệnh vảy nến, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Các loại thuốc chứa Corticoide

Các loại thuốc corticoide thông dụng trên thị trường bao gồm: Prednisone, methylprednisolon, dexamethasone, betamethasone, hydrocortison. Corticoide được bào chế ở dạng: thuốc tiêm chích, thuốc uống (viên nén, viên nang, viên sủi bọt), thuốc nhỏ mắt, thuốc bôi (thuốc dạng kem, dạng mỡ hoặc gel), thuốc xịt da đầu, xịt mũi hoặc xịt miệng, thuốc khí dung (hít). Bác sĩ sẽ kê toa các dạng corticoide khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng bệnh khác nhau. 

Corticoid được sử dụng trong trường hợp nào?

Thuốc corticoid được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm ruột (IBD), hen suyễn, dị ứng, bệnh Addison (bệnh hiếm gặp xảy ra khi tuyến thượng thận không sản xuất đủ corticosteroid mà cơ thể cần), viêm da… (3)

Corticoide được cung cấp theo nhiều dạng khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bao gồm:

  • Viên nén, viên nang hoặc siro giúp điều trị chứng viêm, đau liên quan đến một số bệnh mạn tính như: viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus.
  • Corticoide dạng ống hít, xịt mũi giúp kiểm soát tình trạng viêm liên quan đến bệnh hen suyễn, dị ứng mũi.
  • Dạng thuốc nhỏ mắt giúp giảm sưng sau khi mổ mắt.
  • Dạng kem, thuốc mỡ giúp chữa lành nhiều tình trạng da.
  • Thuốc tiêm dùng để điều trị các triệu chứng cơ, khớp như: đau, viêm gân, chống sốc phản vệ…

Tác dụng phụ của Corticoid

Các tác dụng phụ của corticoid thường gặp bao gồm:

  • Tăng khẩu vị.
  • Tăng cân.
  • Thay đổi trong tâm trạng.
  • Yếu cơ.
  • Mờ mắt.
  • Tăng sự phát triển của lông trên cơ thể.
  • Cơ thể dễ bầm tím.
  • Khả năng chống nhiễm trùng giảm.
  • Mặt sưng.
  • Nổi mụn.
  • Loãng xương.
  • Khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường.
  • Khởi phát hoặc gây huyết áp cao.
  • Kích ứng dạ dày .
  • Bồn chồn.
  • Khó ngủ.
  • Đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp.
  • Cơ thể giữ nước, sưng phù.
Người bệnh nên dùng thuốc corticoid theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn.

>>>Tham khảo: Hình ảnh thuốc Corticoid dễ phân biệt

Cách dùng Corticoide an toàn

Có nhiều cách dùng corticoid an toàn để điều trị bệnh, tuy nhiên, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa khám (khoa nội, nội tiết, nội thận, nội hô hấp, da liễu…) để có phương pháp điều trị thích hợp, tránh lạm dụng thuốc ảnh hưởng sức khỏe. 

1. Corticoid dạng uống 

Corticoid dạng uống (viên hoặc siro) nên dùng với thức ăn để giúp hạn chế ảnh hưởng xấu đến dạ dày. Không tự ý ngừng thuốc đột ngột, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách giảm liều Corticoid từ từ, trước khi ngừng sử dụng để tránh ảnh hưởng sức khỏe.

2. Corticoid dạng xịt và phun

Corticoid dạng xịt, phun thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng, một số tác dụng phụ thường gặp như: nấm miệng, khàn giọng có thể dự phòng bằng cách thực hiện đúng kỹ thuật xịt – hít, súc miệng sau khi dùng thuốc.

3. Corticoid dạng bôi

Thuốc mỡ hoặc kem corticosteroid được bôi lên vùng da 1 hoặc 2 lần/ngày vào buổi sáng hoặc tối. Việc điều trị kéo dài từ vài ngày đến 6 tuần cho đến khi hết viêm. Với corticoid dạng kem nên dùng một lượng nhỏ để bôi ngoài da giúp hạn chế việc quá nhiều thuốc hấp thu vào cơ thể, hạn chế tác dụng phụ không mong muốn xảy ra. Không bôi vào vùng da bị xước hoặc thường xuyên cọ xát. Tùy vào tình trạng bệnh và vùng da cần trị liệu mà bác sĩ da liễu sẽ ghi loại corticoid bôi thích hợp (corticoid nhẹ, trung bình, mạnh và rất mạnh). (4)

Corticoid có nhiều dạng bào chế khác nhau như: dạng xịt, thuốc bôi, thuốc tiêm, viên uống…

4. Corticoid dạng tiêm

Không nên tiêm corticoid khi có nhiễm trùng ở vùng được tiêm hoặc ở nơi khác trong cơ thể. Nếu người bệnh có vấn đề về chảy máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu (thuốc loãng máu), việc tiêm corticoid sẽ gây chảy máu tại chỗ nên với người bệnh này, cần thận trọng khi tiêm corticoid.

5. Chống chỉ định của thuốc Corticosteroid

Chống chỉ định của thuốc Corticosteroid với người bệnh quá mẫn với thuốc kháng viêm corticoid, người có tiền sử viêm loét dạ dày – tá tràng, đái tháo đường, cao huyết áp, người đang nhiễm khuẩn hay nhiễm virus hoặc nhiễm nấm toàn thân…

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với đội ngũ y bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm cùng chuyên môn sâu chuyên điều trị các bệnh như: tiểu đường, suy tuyến thượng thận, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng, viêm da cơ địa… sẽ luôn đồng hành cùng người bệnh trong hành trình chữa bệnh, từ việc thăm khám, lên phác đồ điều trị cho đến quá trình hồi phục, ổn định.

Bài viết trên đã chia sẻ cụ thể về thuốc Corticoid là gì, tác dụng phụ và chống chỉ định khi dùng thuốc này. Do đó, để dùng corticoid điều trị bệnh an toàn, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường hoặc khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để có phương pháp điều trị thích hợp, không tự ý sử dụng thuốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.