Gần đây một số trường đại học tư thục (shiritsu/ tư lập) cũng dùng kết quả của kỳ thi này để làm căn cứ xét tuyển nhưng không bắt buộc. Số môn thi của kỳ thi chung này khác nhau tùy theo trường, theo khối thi. Thí dụ nếu thi vào trường đại học công lập thì bắt buộc phải thi 3 môn: Toán, Ngữ văn, Anh văn và chọn 2 môn thuộc khối xã hội (Lịch sử Nhật Bản, Lịch sử thế giới, Chính trị-kinh tế…) hoặc hai môn thuộc khối tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Đại chất…). Riêng môn toán cũng phân ra thành Toán 1, Toán 2 tùy theo thi vào khối xã hội hay khối tự nhiên.
Thi vào các trường đại học tư thục thì hơi khác một chút. Họ cũng có một kỳ thi chung nhưng không khó lắm, chủ yếu là thi kiến thức cơ bản đã được học trong trường phổ thông. Có một số trường quy định phải đạt tối thiểu bao nhiêu điểm ở kỳ thi này thì mới có tư cách dự thi kỳ thi riêng của trường đó.
Kỳ thi riêng của các trường đại học thường được tổ chức vào đầu tháng 2 (đối với các trường đại học tư thục) và cuối tháng 2 (đối với các trường đại học công). Thi môn gì đều do các trường quy định tùy theo khoa. Các trường tư thục lớn tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng theo đề của Trường. Các trường đại học công thường tổ chức hai đợt thi: đợt một vào tháng 2 và đợt hai vào tháng 3 hàng năm.
Ngoài hình thức thi trên (gọi là thi thông thường) còn có hình thức thi đặc biệt gọi là “suisen” (tiến cử). Theo đó trường THPT giới thiệu thẳng vào đại học những sinh viên đạt tiêu chuẩn do trường đại học quy định, với một số lượng hạn chế. Thí dụ trường đại học A chỉ lấy của trường THPT A hai hoặc ba người chẳng hạn. Những trường đại học lớn ít dùng hình thức này hơn các trường đại học nhỏ. Thi “suisen” chủ yếu thông qua phỏng vấn trực tiếp.
Gần đây có một hình thức thi nữa gọi là “AO shiken” (A.O (Admissions Office): thi ở văn phòng tuyển sinh), tức là tự mình tiến cử. Thí sinh thường nộp kết quả học tập, viết một bài luận và dự phỏng vấn. Hình thức này thường được các trường đại học nhỏ áp dụng song song với các hình thức khác.